Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

“Thần dược” ầm ầm xuống phố

Nhiều loài côn trùng, chim thú không rõ nguồn gốc được đưa về thành phố bày bán công khai. Tấp nập xuống phố

Không khó để bắt gặp cảnh bìm bịp, rắn, bọ cạp, bổ củi “ngồi” trong lồng rong ruổi trên đường phố Hà Nội mà người bán không cần cất tiếng rao. Đồ nghề của họ khá đơn giản, chỉ với một chiếc túi lưới buộc đằng trước cho ra dáng “chuyên nghiệp”, có vẻ như vừa đánh bắt về vẫn “nóng” hôi hổi; một chiếc lồng sắt mắt cáo nhỏ nhốt hàng vừa chắc chắn, vừa tiện “khoe hàng”.

Hễ thấy ai chăm chú nhìn, người bán đon đả ngay: mấy con này bổ thận, tráng dương, ngâm rượu trị bệnh nhức mỏi, thư giãn gân cốt cho người già là hết ý. Đồng thời “bồi” thêm: yên tâm đi, hàng của anh toàn là “xịn”, lấy từ rừng Lai Châu, Yên Bái đấy. Loại này uống vào, “một người khỏe, hai người vui”.

Giá các loại côn trùng cũng tùy thuộc vào mức độ “sành” của người mua. Bọ cạp có giá từ 5-10.000 đồng/con; bổ củi 3-5.000 đồng/con; mối chúa từ 15-20.000 đồng/con; rết từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/con; tắc kè 120-150.000 đồng/con; bìm bịp từ 300-400.000 đồng/con…

than-duoc-am-am-xuong-pho

Theo một số người tỏ ra am hiểu mấy loại “hàng độc” này, bìm bịp và rắn rừng là hai loại "công hiệu" nhất. Giới mê tửu dược thường quan niệm bìm bịp là “số 1” vì tính năng bổ thận, tráng dương… do loài chim này thường sống chung với rắn độc, nên xương thịt nó có thêm dược tính của rắn.

Còn rắn thường được ngâm theo bộ gồm tam xà (3 con), ngũ xà (5 con) đến cửu xà (9 con). Vì vậy, chúng ngày càng khan hiếm và có giá khá cao. Mối, bọ cạp, rết và bổ củi là những loại côn trùng có giá “mềm” nên được nhiều người chọn mua hơn. Theo quan niệm thì mối chúa ngâm rượu khi uống vào có tác dụng kéo dài thời gian “gần gũi”, bọ cạp sẽ làm quên cảm giác “mỏi gối chồn chân” của các quý ông chốn phòng the.

than-duoc-am-am-xuong-pho
Không khó để bắt gặp cảnh người bán các loại "thần dược" ngâm rượu trên đường phố Thủ đô như thế này

Có thực sự “khỏe”?

Theo một số lương y, các loại rượu ngâm bọ cạp, mối chúa, rắn, tắc kè, bìm bịp, bổ củi… cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định là thuốc chữa bệnh, có tác dụng “khẳng định” mình chốn phòng the. Có chăng, nó đã được đồn thổi trở thành “thần dược” qua phương pháp truyền miệng, một đồn mười, mười đồn trăm.

Trên thực tế, đã có nhiều bệnh nhân uống rượu ngâm những loại côn trùng đó bị dị ứng, ngộ độc, có thể do thành phần rượu hay tỉ lệ thuốc sâu, thuốc trừ muỗi mà khi đánh bắt người ta đã sử dụng để vô hiệu hóa côn trùng.

Theo giới “săn” hàng thì phương pháp săn ong cổ truyền làm chết nhiều ong, thân khô, không bắt mắt, rất khó bán, nên giờ thợ ong dùng bình xịt muỗi, thuốc trừ sâu để bắt. Khi xịt xong, ong say lả tả, người bắt chỉ việc bốc cả tổ bỏ vào túi lưới. Khi ong tỉnh lại, chúng bay, bò lổm ngổm quanh tổ, rất bắt mắt người mua.

Và hậu quả là có những người thay vì "khẳng định mình" chốn phòng the thì lại hải nhập viện vì ngộ độc khi uống rượu ngâm loại côn trùng có dính thuốc xịt muỗi đó. Nhiều bệnh viện từng cấp cứu những bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm tính mạng do uống rượu ong đất mới ngâm hơn một năm, với triệu chứng ngứa, sưng nề môi, đau bụng, nôn mửa.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rượu ong đất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe phòng the. Tuy nhiên, ong đất nọc độc, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa... thậm chí tử vong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét