Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Trung Quốc mất vị thế công xưởng thế giới

Các nhà đầu tư quốc tế và phải nhường bớt thị phần cho các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á, Bắc Phi hay các nước ngoại vi của EU.

 Trung Quốc đang dần mất đi vị trí bá chủ trên bản đồ công nghiệp thế giới, đó là nhận định của tờ Le Monde sau khi có tin Công ty Foxconn của Đài Loan, nhà thầu của tập đoàn Apple, dự định xây dựng một cụm nhà máy lắp ráp Ipad tại Indonesia với tổng số vốn đầu tư từ 5-10 tỷ USD.

 

 

Theo kế hoạch "di chuyển" của Foxconn tới Indonesia, dự kiến khi nhà máy lắp ráp Ipad tại Indonesia hoàn tất có thể sử dụng tới 1 triệu công nhân. Thông tin này đã được Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã công bố ngày 14/8 vừa qua. Đây được xem là một dự án điển hình thể hiện xu hướng phân chia lại bản đồ công nghiệp thế giới, đe dọa vai trò "công xưởng thế giới" của Trung Quốc.

 

Cho tới hết năm 2011, Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu thế giới về thu hút vốn FDI với tổng số vốn lên tới 108 tỷ USD. Các nước xếp sau Trung Quốc như Brazil, Ấn Độ và Mỹ cũng chỉ thu hút được khoảng 60 tỷ USD mỗi nước.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang mất dần vị trí thống lĩnh trong sự chọn của các nhà đầu tư quốc tế và phải nhường bớt thị phần cho các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á, Bắc Phi hay các nước ngoại vi của EU.

 

Tính từ đầu năm 2012 tới nay, FDI vào Trung Quốc thực tế đã giảm 4% so với cùng kỳ năm 2011. Số dự án mới ở Trung Quốc trong quý đầu năm nay cũng chỉ dừng lại ở mức 8% trong tổng số dự án FDI thống kê được trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, dòng chảy FDI vào các nước mới nổi và đang phát triển khác lại tăng trưởng khá mạnh, chẳng hạn ở Ấn Độ là 40%, Indonesia là 30%, còn Tunisia là 45%.

 

Trước Foxconn, trong quý 1/2012, hãng ô tô hàng đầu Nhật Bản là Toyota đã thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy thứ tư ở Brazil.

 

Bản thân trường hợp của Foxconn, công ty chuyên gia công cho Apple, cũng khá thú vị vì công ty này từ trước tới nay hầu như chỉ sản xuất ở Trung Quốc nhằm tận dụng, thậm chí là bóc lột sức lao động của công nhân với điều kiện lương tối thiểu, giờ làm việc thì tối đa. Nay Foxconn và "ông chủ" Apple đang lên kế hoạch cho những dự án lắp ráp mới ở Indonesia và cả ở Myanmar, nơi có mức lương công nhân thấp hơn ở Trung Quốc.

 

Ngay cả một số công ty dệt may của Trung Quốc cũng đã tìm cách di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, tại các địa điểm mới như Bangladesh. Hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng Adidas cũng vừa đóng cửa nhà máy cuối cùng do hãng này nắm giữ trực tiếp ở Trung Quốc. Dệt may là lĩnh vực chịu sự cạnh tranh mạnh nhất và các công ty đang có xu hướng chuyển sang các nước láng giềng của Trung Quốc, nơi chi phí lao động thấp hơn nhiều.

 

Nghiên cứu của Ngân hàng Natixis của Pháp cho biết chi phí nhân công tại Trung Quốc đã cao hơn ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và cả Algeria, Bulgaria, Tunisia hay Maroc. Nghiên cứu còn dự báo chi phí tiền công ở Trung Quốc thậm chí còn có thể ngang bằng với Mỹ trong 4 năm tới do tác động của kế hoạch tăng lương và điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ của nước này.

 

Dòng tiền đang rút khỏi Trung Quốc

 

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Trung Quốc nửa đầu 2012 cũng không mấy sáng sủa. Thặng dư thương mại trong tháng 7 đã giảm xuống mức 25 tỷ USD so với con số 31 tỷ của tháng trước đó, xuất khẩu cũng chỉ tăng có 1% do ảnh hưởng bởi thị trường bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế trong quý 2 chỉ đạt 7.6% đã kéo theo sự suy giảm của một loạt chỉ số quan trọng và xuất hiện nguy cơ giảm phát, một số ngành công nghiệp như sản xuất thép, máy móc, xe hơi, than, vật liệu xây dựng bị đình trệ.

 

Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết trong tháng 7 các ngân hàng nước này đã bán ra gần 600 triệu USD, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc. Cùng với đó là sự tháo chạy của dòng vốn trong nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài làm cho tình trạng sản xuất trong nước gặp khó khăn, làm trầm trọng thêm thị trường việc làm.

 

Yếu tố lao động từng là một trong những lợi thế cạnh tranh chủ chốt nhằm thu hút dòng vốn FDI của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua nhưng lợi thế này đang dần mất đi. Dẫu vậy, nếu phát triển các ngành đòi hỏi phải có nhiều lao động thì vẫn cần phải cân nhắc vì theo một số doanh nghiệp Pháp, lương tại Trung Quốc dù tăng nhưng hiện vẫn thấp hơn Pháp từ 1 tới 10 lần.

 

Hơn nữa, đầu tư vào Trung Quốc vẫn có sức hút với giới doanh nghiệp quốc tế bởi điều đó đảm bảo có một chỗ đứng trên thị trường châu Á đang trỗi dậy. Tuy nhiên, có thể thấy đầu tư vào Trung Quốc để sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa vẫn là một xu thế lớn còn việc đầu tư để xuất khẩu sang nước thứ ba là vấn đề mà nhiều công ty quốc tế đang cần cân nhắc. Điều này cũng phù hợp với toan tính của Bắc Kinh vì nước này đang muốn hiện đại hóa nền công nghiệp của mình và nhường lại vị trí sản xuất hàng hóa cấp thấp cho các nước khác.

 

Hãng tin Bloomberg giữa tháng 8 cho biết, các nhà đầu tư Mỹ đang hoài nghi về kinh tế Trung Quốc khi liên tiếp trong ba tháng qua, chỉ số cổ phiếu của một số công ty Trung Quốc niêm yết trên TTCK New York đều sụt giảm. Báo cáo của chính phủ Trung Quốc cũng cho hay lợi nhuận của ngành công nghiệp nước này đó sụt giảm ba tháng liên tiếp.

 

Với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, nhiều chuyên gia dự đoán nền kinh tế thứ hai thế giới có thể sẽ rơi vào tình trạng trì trệ giống như Nhật Bản trong những thập niên 90 nếu các gói kích thích kinh tế nhằm cứu các doanh nghiệp và dự án không phát huy hiệu quả. Một nhận định triển vọng và có thể xảy ra nhiều hơn cả đó là Trung Quốc sẽ thoát khỏi khó khăn hiện nay nhờ tận dụng tốt tiềm lực dự trữ ngoại hối mạnh, yếu tố dân số và nhu cầu nội địa tăng cao. Để làm được điều này đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực cải cách kinh tế mạnh mẽ, cùng với triển vọng tích cực của môi trường kinh tế quốc tế.

 

Nguồn: VEF

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét